Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2015/TT- BGTVT để thuận lợi trong việc cấp phép thi công xây dựng các tuyến ống cấp nước sạch tập trung nông thôn trong phạm vi bảo vệ KCHTGT đường bộ

Thứ sáu, 05/01/2024 19:05

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 15315/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, ngày 21/11/2023, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN, nội dung kiến nghị như sau: 

Đề nghị Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2015/TT- BGTVT ngày 23/9/2015, để thuận lợi trong việc cấp phép thi công xây dựng các tuyến ống cấp nước sạch tập trung nông thôn trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện di chuyển các tuyến ống theo cấp phép. Hiện nay, thủ tục xin cấp phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ theo quy định tại khoản 9 Điều 12 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ GTVT quy định: “Tên đơn vị hoặc tổ chức đứng Đơn đề nghị cam kết tự di chuyển hoặc cải tạo công trình và không được bồi thường khi ngành đường bộ có yêu cầu di chuyển hoặc cải tạo” để có thể triển khai thi công xây dựng công trình. Trường hợp đơn đề nghị cấp phép không cam kết đúng theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TTBGTVT ngành giao thông sẽ không thực hiện cấp phép. Trong khi đó, việc thi công tuyến ống trên diện tích đất trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (hành lang bảo vệ giao thông đường bộ) chưa được ngành giao thông giải phóng mặt bằng đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của người dân và đã được người dân đồng ý, chấp thuận cho thi công, lắp đặt đường ống nước, tuy nhiên các đơn vị vẫn không thể thực hiện khi chưa được ngành giao thông cấp phép thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình. Một số công trình sau khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng và cấp nước phục vụ nhân dân, sau này ngành giao thông nâng cấp mở rộng sửa chữa tuyến đường ảnh hưởng tới hệ thống tuyến ống, đơn vị được cấp phép phải tự bỏ kinh phí thực hiện di chuyển tuyến ống theo cấp phép trong khi đó đã hết nhiệm vụ Chủ đầu tư (có những công trình sau hơn 10 năm từ thời điểm cấp phép ngành giao thông vẫn có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các nội dung đã cam kết). Vì vậy, không có kinh phí để thực hiện theo yêu cầu của ngành giao thông”.

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. 

Về nội dung kiến nghị của cử tri trên, Bộ GTVT trả lời như sau: 

Khoản 9 Điều 12 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 quy định: Công trình thiết yếu được chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công, phải di chuyển kịp thời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền mà không được bồi thường, hỗ trợ di chuyển; chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng công trình thiết yếu chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng, di chuyển công trình thiết yếu.

Theo quy định này, có hai chủ thể liên quan đến công trình thiết yếu, đó là chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng công trình thiết yếu phải chịu trách nhiệm đến việc xây dựng và di chuyển công trình thiết yếu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền. Trường hợp công trình thiết yếu đã thi công hoàn thành và bàn giao cho chủ sử dụng công trình để khai thác, sử dụng, chủ sử dụng công trình phải chịu trách nhiệm đối với các vấn đề liên quan đến công trình thiết yếu này. 

Về sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ: Khoản 4 Điều 43 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ. Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Theo quy định này, phần diện tích đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ chưa được ngành giao thông giải phóng mặt bằng đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của người dân vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật có liên quan. Đối với công trình thiết yếu có thể xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ nhưng phải cam kết di dời khi ngành đường bộ yêu cầu di chuyển để đảm bảo quỹ đất phục vụ cải tạo, nâng cấp công trình đường bộ. Việc cam kết di chuyển hoặc cải tạo công trình thiết yếu do chủ đầu tư, đơn vị sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng công trình thiết yếu thực hiện. 

Hiện nay, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Luật Đường bộ; sau khi Luật Đường bộ được ban hành, Bộ GTVT sẽ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan. 

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang, trân trọng gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.
 

Nguồn: Bộ GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:104742
Lượt truy cập: 176.231.088